Người chồng làm những bữa ăn đẹp mỗi sáng, mong tìm lại ký ức cho vợ

Xem nhanh

Kenichi Torikai (74 tuổi) đến từ tỉnh Aichi đã dậy sớm mỗi ngày để chuẩn bị những bữa sáng đẹp mắt cho người vợ bị mất trí nhớ của mình. Những bữa sáng giống như một bức thư, nó chứa đựng mong muốn hy vọng người vợ của ông hãy mỉm cười và ăn thật nhiều…

Kết hôn đã 47 năm, vợ chồng ông Torikai (74 tuổi) và bà Mitsuyo (73 tuổi) đã trải qua những ngày tháng êm đềm bên nhau cho đến khi biến cố ập tới vào 9 năm trước, các bác sĩ kết luận bà mắc chứng bệnh Alzheimer, môt trong những nguyên nhân phổ biến gây suy giảm trí nhớ ở người già. Từ đó, cuộc sống tuổi già của hai vợ chồng chuyển sang một hành trình mới đòi hỏi nhiều nỗ lực, ý chí kiên cường và sức mạnh tình yêu to lớn để chống chọi lại sức tàn phá của căn bệnh này.

Khi căn bệnh Alzheimer ập tới

Ông Kenichi Torikai rời quê nhà ở Kumamoto để lên đường tìm việc khi vẫn còn là cậu thiếu niên. Khi làm việc ở tỉnh Aichi, ông đã được anh trai giới thiệu với người đồng hương – bà Mitsuyo. Ông bị thu hút bởi sự lương thiện và sức mạnh nội tâm của bà. Dần dà, tình cảm của họ đã đơm hoa kết trái và một đám cưới đã được tổ chức vào năm 1974. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chọn sống tại Obu, tỉnh Aichi và có với nhau hai người con trai.

Tuy nhiên, vào 9 năm trước, khi cả hai vợ chồng chỉ mới vừa lên kế hoạch trải nghiệm thật trọn vẹn những năm tháng tuổi già thì bà Mitsuyo bắt đầu xuất hiện nhiều biểu hiện lạ. Một ngày bà ra ngoài và mãi không thấy trở về nhà, khi gặp được vợ thì bà nói rằng: “Em không thể tìm thấy đường về”. Lúc này, ông bắt đầu lo lắng cho tình hình sức khoẻ của vợ.

Đúng như những gì ông Torikai lo sợ, bà Mitsuyo được chẩn đoán mắc căn bệnh Alzheimer. Khi nhận được thông báo từ bác sĩ, ông đã quyết định nghỉ việc để dành toàn bộ thời gian chăm sóc bà. Hai vợ chồng cùng nhau tham gia khoá học về bệnh Alzheimer, cùng nhau học vẽ, đan lát, leo núi, học đàn và ca hát cùng nhau. Nhưng tới khi bệnh trở nặng, cây đàn đã được cất vào kho mãi mãi. Hiện tại, bà Mitsuyo dành phần lớn thời gian trên giường.

“Tôi muốn nhìn thấy nụ cười của vợ một lần nữa”

Cách đây một năm rưỡi, bà Mitsuyo bắt đầu xuất hiện tình trạng khó ăn uống. Bà sụt tới 20kg trong một thời gian ngắn. Bác sĩ điều trị khuyên ông nên đổi sang thức ăn đóng hộp ở dạng lỏng. Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu, ông bèn nảy ra ý tưởng biến chúng thành thạch và may mắn là bà Mitsuyo đã có thể ăn được.

Tuy nhiên, thạch trông khá nhạt nhẽo nên ông bắt đầu phủ mứt và mật ong lên trên. Rồi ông lại tiếp tục nảy ra ý tưởng trang trí chúng thành nhiều hình thù khác nhau như cô gái, động vật… Khi nhìn thấy “tác phẩm” của ông, bà đã nở nụ cười và ăn “sạch dĩa”.

Ông Torikai chia sẻ: “Khi bà ấy cười, dù chỉ là thoáng qua một chút, cũng khiến tôi hạnh phúc”. Nhưng mỗi ngày trôi qua, căn bệnh Alzheimer lại càng chuyển biến xấu khiến bà không còn khả năng điều khiển cơ mặt và nụ cười cũng dần mất đi. Dẫu vậy, ông Torikai vẫn dậy vào lúc 5h30 sáng mỗi ngày để chuẩn bị ăn cho vợ mình.

Các bữa sáng này thường tiêu tốn nhiều thời gian hơn bình thường bởi chúng được trang trí tỉ mỉ, tạo hình thành nhiều nhân vật đáng yêu. Ông hy vọng những món ăn sẽ kích thích cảm giác ngon miệng và mang nụ cười của bà trở lại: “Bà ấy không thể biểu lộ được cảm xúc trên khuôn mặt, nhưng biết đâu cũng cảm nhận được điều gì đó”.

Hành trình làm nên những bữa sáng đáng yêu

Để làm nên những bữa sáng đáng yêu, ông Torikai sẽ trộn thức ăn hộp dạng lỏng với gelatin để biến chúng thành thạch. Sau đó, ông bắt đầu vẽ lên trên nhiều nhân vật như trẻ em, động vật bằng cách sử dụng mứt, trái cây, rau củ và đậu xay nhuyễn. Một trong nhiều nhân vật yêu thích của ông là hình cô gái làm bằng lát bánh mì. Ông dùng dao cắt bánh mì thành hình mặt người, rồi dùng đũa phết mứt dâu để thoa lên mặt, làm phần má và phấn mắt cho cô gái.

Phần lông mi được làm từ tảo bẹ Kombu cắt mỏng, trong khi miếng cà chua bi biến thành đôi môi đỏ và hai hạt đậu đen trở thành mắt. Về phần trang trí mắt, trước đó, ông đã thử dùng rong biển Nori và đậu xay nhuyễn nhưng kết luận rằng hạt đậu đen vẫn là lựa chọn tốt nhất, chúng làm cho mắt trở nên lấp lánh và biểu cảm của khuôn mặt cũng sống động hơn. Ông Torikai vui vẻ chia sẻ: “Tôi không biết nó sẽ trông như thế nào cho đến khi hoàn thành”.

Khi cho bà ăn bữa sáng, ông thường hỏi: “Bà có thích không?”. Ông nhìn vào mắt bà, kiên nhẫn chờ đợi đến khi bà mở miệng ăn rồi trò chuyện, khi thì nói về thời tiết, bốn mùa trong năm hay một câu chuyện bất kỳ. Ông vẫn nói dù không có sự hồi đáp từ bà, tuy đôi khi cũng cảm thấy cô đơn nhưng khoảng thời gian chăm sóc bà cũng đủ khiến ông hạnh phúc. Ông chỉ hy vọng có thể ở bên bà Mitsuyo lâu nhất có thể.

>> Xem thêm: Một số hình thức cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại Nhật Bản mà bạn nên biết

Share on facebook
Share on email
Share on print

Bài viết mới đăng

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN ĐƠN HÀNG

Tư vấn miễn phí