Nghệ thuật thưởng thức trà đạo đặc sắc tại đất nước Mặt trời mọc

Xem nhanh

Nói đến nghệ thuật thưởng thức trà đạo là chúng ta nghĩ ngay đến đất nước Mặt trời mọc, nó không chỉ là thứ đồ uống thông thường mà còn là một môn nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét truyền thống của Nhật Bản.

Trong văn hóa Nhật Bản, Trà đạo được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12. Theo truyền thuyết Nhật, vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai đã sáng tác ra cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký”, nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà.

Với công dụng giúp thư giãn tinh thần và sự hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với thú uống trà này. Họ đã kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo một sản phẩm đặc sắc thuần Nhật. Từ uống trà, cách uống trà, rồi nghi thức uống trà cho đến trà đạo là một tiến trình không ngưng nghỉ mà cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của chính dân tộc mình. Trà đạo không đơn thuần là phép tắc uống trà, mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ.

Hòa – Kính – Thanh – Tịch, đây là bốn nguyên tắc cơ bản của Trà đạo. Phật giáo thường dùng thuật ngữ ” ngón tay chỉ mặt trăng”. Suy rộng ra, Trà đạo là con đường mà đi hết con đường đó sẽ đến nơi có “trà vừa ngon vừa không ngon”.

Nghệ thuật uống trà đạo của Nhật Bản bao gồm các bước sau:

Bước 1: Nước pha trà
Tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi để pha trà, có nghĩa là không thể nào dùng nước đang sôi trong bình rót vào bình pha trà. Lý do trông không đẹp mắt và nhất là tất cả các loại trà Nhật bản, trà xanh, trà bột dùng trong lễ dâng trà không bao giờ dùng nước đang sôi ! Nước pha trà phải được đựng trong một bình thủy hay nước được nấu trong một cái ấm kim khí không nắp trên bồn than rất yếu để giữ nước ở khoảng 80-90 độ C.

Bước 2: Làm ấm dụng cụ
Ấm pha trà và tách uống trà được tráng bằng nước sôi trong bình thủy để làm ấm dụng cụ, sau đó dùng khăn lau khô trước khi xử dụng. Cho trà vào ấm pha trà : Thường với loại trà ngon cỡ trung bình người ta thuờng tính cho mỗi một người khách khoảng một muỗng cà phê trà xanh. Tuy nhiên nếu dưới 3 người khách, nên cho hơn một tí để tránh quá nhạt . Dĩ nhiên với nhưng người ghiện trà, thích uống đậm lại là vấn đề khác!

Bước 3: Pha trà
Với loại trà xanh cỡ trung bình, người ta thường pha trà 3 lần khác nhau như sau :

Lần thứ nhất: được pha với nước nóng ở khoảng 60 0C, để trà ngấm khoảng 2 phút đồng hồ trước khi rót cho khách. Nước sôi từ bình thủy được rót ra một cài bình trà khác (hay chén tống) để giảm nhiệt độ trước khi cho vào bình pha trà.

Lần thứ hai: pha với nước nóng khoảng 80 0C trong khoảng 30-40 giây, có nghĩa là cho nước vào ấm pha trà , hơi lắc nhẹ và rót ra tách cho khách ngay. Nước cũng được rót qua bình trung gian nhưng nhanh hơn để có nhiệt độ như mong muốn. (Tuy nhiên, những người pha trà quen thuộc, khéo tay họ có thể điều chỉnh nhiệt độ từ bình thủy rót vào bình pha trà bằng các thủ thuật như rót nuớc thật chậm, để cao vòi nước trên bình pha trà…).

Lần thứ ba: Nước pha ở nhiệt độ khoảng 90 0C, cũng khoảng 30- 40 giây. Nước có thể ruôn trược tiếp từ bình thủy vào ấm trà, vì nước sôi khi qua các giai đoạn rót vào bình thủy, rồi từ bình thủy rót vào ấm pha trà đã có nhiệt độ khoảng 90 độ C. Với những loại trà ngon đặc biệt, người ta có thể pha trà lần thứ 4 hay lần thứ 5 (cách thức pha như lần thứ 3) mà nước trà vẫn xanh và còn mùi vị. Nhưng những loại trà xanh hạ phẩm, rẻ tiền việc pha trà hơi khác hơn chút đỉnh. Chẳng hạn lần thứ nhất phải ở nhiệt độ cao hơn (70- 80 độ, 2 phút) , lần thứ hai (90 độ, khoảng 1- 2 phút) và không có lần thứ 3 vì hết mùi vị rồi. (giải thích ở phần dưới).

Lượng nước pha trà: Người pha trà phải biết ước lượng cho bao nhiêu nước pha vào bình trà, không thể pha trà xanh của Nhật Bản giống như pha trà của Trung Quốc hay Việt Nam được mà phải biết dung tích của tách uống trà và số tách để cho đúng lượng nước để mỗi lần rót trà cho khách phải hết trọn vẹn nước trong bình pha trà. Nếu còn sót lại sẽ làm giảm chất lượng của lần uống trà kế tiếp vì sai nhiệt độ, vì oxy hoá làm mất mầu xanh đẹp của trà.

>>> Xem thêm: Cùng tham gia bữa tiệc Shinnen-kai cùng 14 cô gái thuỷ sản CEO tại Nhật nhé

Bước 4: Cách rót trà
Không bao giờ rót trà cho khách một lần đầy tách rồi rót tiếp cho người khách kế tiếp! Làm như vậy sẽ có sự khác biệt về độ đậm nhạt của nước trà trong mỗi tách, cũng như không đều về lượng trong mỗi tách (tách đầu tiên quá nhiều, tách cuối cùng rất ít, quá đậm vì thời gian trà ngấm ra nhiều hơn hay không còn nước cho người kế tiếp!). Vì vậy, tất cả các tách của khách đều được để trong khay trà rồi rót theo thứ tự 1,2,3,4… rót lần đầu khoảng 30ml (cho mỗi tách, cỡ lớn 70 ml), sau đó rót lần thứ hai với thứ tự ngược lại 4, 3, 2 ,1 mỗi lần khoảng 20ml (cho mỗi tách có tổng cộng 50ml nước trà) nếu còn dư chút ít trong bình, nên co dãn để phân đều cho các tách. Sau đó mới đưa mời khách.

Bước 5: Cách uống trà
Khi uống trà xanh Nhật bản (cũng như uống trà bột trong lễ dâng trà) người Nhật phải ăn một vài loại bánh ngọt để làm gia tăng hương vị của trà. Trước khi uống trà, người ta ăn vài miếng bánh (phải ăn hết bánh trong miệng rồi mới uống trà, không nên vừa ăn vừa uống ). Sau đó thỉnh thoảng ăn thêm bánh và uống trà tiếp theo. Với cách này sẽ làm gia tăng hương vi của trà xanh một cách lạ kỳ. Với cách uống trà cầu kỳ, độc đáo và tinh tế này của người Nhật đã đưa cách uống trà Nhật trở thành một môn nghệ thuật mà cả thế giới phải nể phục và thưởng thức.

Share on facebook
Share on email
Share on print

Bài viết mới đăng

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN ĐƠN HÀNG

Tư vấn miễn phí