Phụ huynh Nhật Bản làm gì khi việc xâm hại tình dục trẻ em gia tăng

Xem nhanh

Vụ 2 nam nhân viên trông trẻ bị bắt vừa qua đã thu hút chú ý của dư luận đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em ở Nhật Bản. Năm 2018, có 185 vụ bắt giữ liên quan đến các vụ việc tương tự, tăng gần gấp 2 lần so với năm trước đó. Hiện nay, trên cả nước có nhiều người kêu gọi cần có các biện pháp để trẻ em được an toàn hơn.
Ι Xâm hại
Phát biểu tại một cuộc họp báo, một người mẹ có con 5 tuổi là nạn nhân bị xâm hại nói: “Điều tôi thấy đau lòng nhất là chúng ta, những người làm cha mẹ, lại không hề phát hiện ra khi chính con mình bị xâm hại tình dục”.

Khi trường mầm non nơi con gái cô theo học phải đóng cửa vì vi-rút corona, cô buộc phải thuê người trông trẻ. Cô nói, một nam nhân viên giữ trẻ đã trông con cho cô 8 lần, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5.

Nam nhân viên trông trẻ này được cho là đã có hành vi xâm hại ít nhất 2 lần. Theo cảnh sát, người này đã nhận tội, và nói rằng không kiểm soát được bản thân.

Người mẹ nói: “Tôi vẫn nghĩ rằng những người trông trẻ có đăng ký trên ứng dụng của công ty là những người rất ân cần chu đáo. Tôi chưa bao giờ nghĩ họ lại có thể là tội phạm tình dục”.

Ι Cấm nhân viên trông trẻ là nam giới
Người mẹ đã thuê người trông trẻ này qua một ứng dụng do công ty trung gian Kidsline vận hành. Công ty này kết nối 24/24 cung cầu dịch vụ trông trẻ và được nhiều người sử dụng nhờ mức giá phải chăng.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên người trông trẻ của Kidsline bị cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ vài tháng trước đó, một nam giới 29 tuổi cũng đã bị bắt vì quấy rối ít nhất 2 bé trai.

Từ sau vụ mới nhất, Kidsline đã quyết định tạm thời ngừng dịch vụ đối với người trông trẻ là nam giới. Công ty giải thích trong thông báo: “Chuyên gia chỉ ra rằng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường có xu hướng là nam”.

Kidsline tạm dừng giới thiệu việc cho gần 200 nam giới trông trẻ đăng ký trên trang dịch vụ của công ty.

Công ty cũng cho biết sẽ áp dụng biện pháp mới để sàng lọc người đăng ký tìm việc: đó là bài kiểm tra tính cách nhằm kiểm tra ý thức trách nhiệm cũng như xác định có tiềm ẩn khuynh hướng bạo lực hay không.

Tuy nhiên, theo ông Fukui Hiroki, bác sỹ tâm thần đứng đầu Trung tâm Y tế Tội phạm tình dục, quyết định của Kidsline về việc tạm dừng dịch vụ đối với người trông trẻ là nam giới sẽ không giải quyết được vấn đề. Ông nói kiểm tra sàng lọc là quá trình quan trọng cơ bản, vì có khi người có khuynh hướng ấu dâm tìm việc làm liên quan đến trẻ em.

Ông Fukui nói: “Dù có thể từ đầu họ không có ý định xâm hại trẻ em, nhưng sau 1 thời gian họ có thể không kiểm soát được ham muốn”.

Tuy vậy, không phải lúc nào cũng dễ dàng phát hiện một người có nguy cơ xâm hại tiềm ẩn. Bà Yamada Fujiko đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Child First Japan nói rằng những kẻ xâm hại tình dục thường có vẻ thân thiện và hoà nhã với các bậc phụ huynh.

Bà Yamada nói: “Không thể kiểm tra được những người đó nếu chỉ dựa trên hình thức bên ngoài hoặc hành vi ứng xử”.

Ι Kêu gọi kiểm tra lý lịch tư pháp
Ông Komazaki Hiroki đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Florence nói rằng luật pháp của Nhật Bản khiến các công ty không đủ khả năng để kiểm tra phát hiện người xâm hại tình dục.

Ông Komazaki nói: “Ở Nhật Bản, phía tuyển dụng lao động hiện không có cách nào để kiểm tra xem người ứng tuyển có tiền án tiền sự hay không. Tỉ lệ tái phạm tội xâm hại tình dục trẻ em ở Nhật Bản là 84,6%, và nhiều người trong số này vẫn có thể tìm được việc làm ở cơ sở trông trẻ hoặc cơ sở giáo dục sau 1 thời hạn nhất định”.

Ông Komazaki nói rằng ở Nhật Bản, giáo viên bị mất chứng chỉ hành nghề thì sau 3 năm vẫn có thể làm việc trở lại. Người trông trẻ cũng vậy, nhưng chỉ cần sau 2 năm. Ông nói: “Chúng ta cần xây dựng 1 hệ thống chăm sóc trẻ em sao cho giảm thiểu nguy cơ cho trẻ”.

Ông Komazaki Hiroki nhiều năm kêu gọi chính phủ cho phép kiểm tra lý lịch tư pháp.

Ông Komazaki đề xuất cơ chế giống như tổ chức dịch vụ tra cứu án tích (DBS) của Anh, theo đó cung cấp chứng nhận chưa từng phạm tội xâm hại tình dục cho những người muốn tìm việc làm liên quan đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em.

Ι Giáo dục
Tuy nhiên, bà Yamada nói rằng để bảo vệ an toàn cho trẻ em, không thể chỉ tập trung nỗ lực vào phía tuyển dụng mà giáo dục cũng rất quan trọng.

Bà nói: “Giáo dục phù hợp với lứa tuổi cho trẻ em có thể là công cụ hữu hiệu để phòng ngừa cơ bản và giảm nguy cơ bạo lực tình dục”.

Mẹ của nạn nhân 5 tuổi nói rằng việc thiếu giáo dục giới tính có thể là lý do tại sao con gái không lên tiếng sớm hơn.

>> Xem thêm: Quy trình sản xuất cơm hộp của người Nhật khiến bạn phải trầm trồ

Bà nói thêm: “Không phải lúc nào bố mẹ cũng dễ dàng dạy cho con về bảo vệ thân thể, thế nên thực tế là giáo dục tập thể ở nhà trẻ hay mẫu giáo sẽ đóng vai trò quan trọng. Bắt đầu từ khoảng 3 tuổi, trẻ cần được dạy rằng phạm vi giới hạn trên thân thể là quan trọng, để trẻ biết có những bộ phận trên thân thể mà người lạ, hay thậm chí cả người nhà, cũng không thể tuỳ ý đụng chạm. Và nếu có điều gì trẻ cảm thấy khó chịu xảy ra ở nhà hoặc bên ngoài, thì trẻ phải nói ngay với bố mẹ hoặc người chăm sóc”.

Bà Yamada nói rằng không phải bố mẹ nào cũng dễ dàng phát hiện dấu hiệu xâm hại, vì thế điều quan trọng là trẻ tự nhận ra được và có thể nói ra một cách thoải mái, dễ dàng.

Bà Yamada nói: “Bố mẹ cần làm sao để con hiểu là con hoàn toàn có thể nói ra, và đảm bảo để con biết rằng nếu có nói ra thì cũng sẽ không gặp rắc rối gì cả. Một lần chưa đủ, chúng ta cần nhắc đi nhắc lại với con, để con luôn cởi mở nói về những gì đã trải qua”.

Bà Yamada khuyến nghị các bậc phụ huynh nếu phát hiện con mình bị xâm hại thì nên tránh hỏi trực tiếp con, thay vào đó nên gọi cho cảnh sát hoặc trung tâm tư vấn trẻ em chuyên nghiệp để được hỗ trợ.

Hiện nay, chính phủ khuyến cáo các bậc phụ huynh thường xuyên liên lạc kiểm tra người trông trẻ qua điện thoại hoặc email, và thậm chí lắp camera để quan sát con mình. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cho biết có kế hoạch tham vấn chuyên gia về áp dụng các thay đổi như thế nào để có dịch vụ chăm sóc trẻ an toàn hơn cho các gia đình trên cả nước.


 

Share on facebook
Share on email
Share on print

Bài viết mới đăng

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN ĐƠN HÀNG

Tư vấn miễn phí